Một số loài Hệ_động_vật_Mông_Cổ

Ngựa hoang

Bài chi tiết: Ngựa hoang Mông Cổ
Một con ngựa hoang Mông Cổ

Một trong những động vật đặc trưng trên thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn là loài Ngựa hoang Mông Cổ hay còn gọi là ngựa hoang Przewalski (phát âm như là: pre-goa-ski) hay còn được gọi theo tên khác là ngựa hoang châu Á là những con ngựa hoang phân bố trên những thảo nguyênMông Cổ. Đây phân loài quý hiếm và nguy cấp của ngựa hoang có nguồn gốc từ các thảo nguyên Trung Á, đặc biệt là Mông Cổ. Từng được xem là tuyệt chủng, ngựa pregoaski đã được tái thả vào tự nhiên Vườn quốc gia Khustain Nuruu, Khu bảo tồn thiên nhiên Takhin Tal và Khu bảo tồn thiên nhiên Khomiin Tal.[13] Ngựa hoang Mông Cổ còn được sử dụng vào mục đích đi săn và là một biểu tượng cho sự dũng mãnh, kiêu hùng của các chiến tướng châu Á thời cổ đại, trung đại và cận đại. châu Âu ghi nhận loài ngựa này vào cuối thể kỷ 19 khi nhà thám hiểm người Nga Nikolai Mikhailovich Przewalski (1839-1888) phát hiện ra chúng tại các núi giáp với sa mạc Gobi khi ông tới miền Tây Mông Cổ vào năm 1879 và phát hiện ra loài ngựa này trước khi du nhập về châu Âu. Ngựa hoang Mông Cổ tồn tại trong tự nhiên chủ yếu là Mông Cổ chỉ còn khoảng hơn 300 cá thể nhưng ngựa Pregoaski đã và đang là loài ngựa được nhân giống và thuần chủng nhiều nhất thế giới.

Lừa hoang

Ở Mông Cổ có loài Lừa hoang Mông Cổ, khu vực phân bổ của lừa hoang Mông Cổ đã bị thu hẹp đáng kể kể từ thập niên 1990. Trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1997, một khảo sát đã ước tính kích thước quần thể của nó là khoảng 33.000 tới 63.000 cá thể trên khu vực phân bổ liên tục bao gồm toàn bộ miền nam Mông Cổ[14]. Năm 2003, một khảo sát mới cho ra con số khoảng 20.000 cá thể trên diện tích 177.563 km² tại miền nam Mông Cổ[15]. Các ước tính về quần thể lừa hoang Mông Cổ cần xem xét với sự thận trọng do thiếu các nghi thức của khảo sát đã đề cập[16],[17]. Mặc dù vậy, nhưng có thể coi là phân loài này đã mất khoảng 50% diện tích phân bổ trước đây tại Mông Cổ trong vòng 70 năm.

Quần thể lừa hoang Mông Cổ bị suy giảm là do săn bắn trộm và cạnh tranh từ các loài gia súc ăn cỏ và tình trạng bảo tồn của phân loài này được đánh giá là dễ thương tổn. Kể từ năm 1953, lừa hoang Mông Cổ đã được bảo vệ nghiêm ngặt tại Mông Cổ. Phân loài này cũng được liệt kê trong phụ lục I của Công ước về thương mại quốc tế các loài nguy cấp (CITES) và cũng được thêm vào phụ lục II của Công ước về các loài di cư năm 2002[18] Tuy nhiên, do số lượng dân cư gia tăng cùng với thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông những năm gần đây[19], nên số lượng các mâu thuẫn về quyền lợi giữa những người chăn thả gia súc và lừa hoang Mông Cổ dường như ngày càng tăng.

Việc săn bắn trộm để lấy thịt cũng là vấn đề đang gia tăng tại Mông Cổ. Đối với một bộ phận dân chúng ở một số khu vực thuộc Mông Cổ thì thịt của lừa hoang cũng như một số động vật hoang dã khác dường như là sản phẩm thay thế rẻ tiền hơn so với các loại thịt của gia súc[20]. Năm 2005, một cuộc điều tra bằng sử dụng bảng câu hỏi đã cho thấy có khoảng 4.500 con lừa hoang, tức khoảng 20% của toàn thể quần thể, có thể đã bị săn bắt trộm mỗi năm[21].

Linh dương

Một con linh dương Mông Cổ chết do không chịu được khô hạn

Sa mạc ở Mông Cổ cũng là nơi sinh sống của những con linh dương Mông Cổ hay còn gọi là dê vàng, số lượng chúng cũng có khá nhiều. Có cả những đàn linh dương khổng lồ ở Mông Cổ khi ghi nhận đàn linh dương đông đến 10.000 con và kỷ lục được xác nhận là đàn linh dương đến 80.000 con, người ta đã ghi được hình ảnh của đàn linh dương đông đến 250.000 con. Tuy vậy, các thợ săn Mông Cổ đã làm giảm đi 10% số lượng của đàn linh dương[1]. Ở đây còn có loài Linh dương saiga phân bố thành từng quần thể riêng biệt tại Mông Cổ. Hiểm họa chính đối với linh dương saiga chính là nhu cầu mua sừng của chúng ở châu Á. Người dân châu Á tin rằng sừng linh dương saiga có khả năng chữa được chứng đau đầu, sốt, viêm họng và nhiều bệnh khác. Ngày nay chỉ còn xấp xỉ 50.000 cá thể linh dương Saiga sống ở Kalmykia, 3 vùng ở Kazakhstan và hai khu vực cách ly của Mông Cổ[22][23].

Sói

Bài chi tiết: Sói Mông Cổ

Sói là động vật có ảnh hưởng nhất định đối với người Mông Cổ trong lịch sử, nơi họ coi sói như linh vật. Người Mông Cổ sống để chiến đấu với sói nhưng khi chết lại cần đến sói thông qua tập tục thiên táng. Thời Thành Cát Tư Hãn đánh chiếm từ Á sang Âu cũng được cho là dựa trên hai tố chất là trí tuệ của sói và tốc độ của ngựa. Giống như rồng ở phương đông, sói là linh vật của dân Mông Cổ. Sói lại là kẻ thù hiện hữu của mọi sinh vật trên đồng cỏ. Sự đấu tranh sinh tồn giữa các loài vật trên đồng cỏ với con vật tàn bạo, thông minh, lạnh lùng là sói đã không cho phép bất kể một kẻ yếu ớt nào có thể tồn tại trên đồng cỏ. Người Mông Cổ quan niệm rằng sói là thầy dạy cho những con ngựa Mông Cổ có thể chạy hàng trăm dặm một ngày.

Sói cũng dạy cho những chiến binh Mông Cổ gan dạ và mưu lược những kỹ năng và chiến thuật trong chiến đấu. Người Mông cổ coi mình là con của sói, ngay cả sau khi chết đi cũng để thân xác của mình trên đồng cỏ cho sói ăn, và sói lại là phương tiện để đưa hồn người về với trời. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng loài sói chẳng phải biểu tượng hay động vật được sùng bái của người Mông Cổ, sói chưa bao giờ là động vật được sùng bái của người Mông Cổ, chưa bao giờ là "totem" của người Mông Cổ và không có bất cứ dữ liệu nào cho thấy sói là "totem" của người Mông Cổ trong văn hoặc lịch sử của người Mông Cổ. Sói là kẻ thù trong đời sống tự nhiên của người Mông Cổ và chúng là loài không có tinh thần đồng đội, thường đánh nhau. Sói tham lam, ích kỷ, lạnh lùng và tàn nhẫn[24].

Chuột

Chuột nhảy là loài thú gặm nhấm được biết đến với biệt danh "Chuột Mickey của sa mạc" đang được nỗ lực bảo tồn loài động vật đang ở bên bờ tuyệt chủng này, loài chuột nhảy tai dài có hình dạng giống như một con kangaroo với đôi tai lớn. Người ta từng có được những hình ảnh về con vật này khi nó đang nhảy quanh tổ của mình tại sa mạc Gobi. Loài chuột này di chuyển bằng cách nhảy giống như những con chuột túi, và người ta có thể dễ dàng nhận ra chúng thông qua đôi tai to quá khổ (gấp ba lần chiếc đầu). Loài chuột này chuyên săn mồi về đêm, và thức ăn của chúng là những con côn trùng. Ban ngày, chúng lẩn trốn trong những đường hầm nhỏ tự đào trong lòng đất. Loài chuột nhảy được phát hiện thấy tại những sa mạc nằm ở biên giới giữa Mông cổ và Trung Quốc, nó được liệt vào sách Đỏ thế giới gồm những loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Mối đe dọa chính của nó là những con mèo nhà tại khu vực này. Ngoài ra đối với những du khác khi đi qua đường có thể thấy lũ sóc chuột đứng cả hai chân, giương đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn[25].

Chim ưng

Thảo nguyên Mông Cổ còn biết đến với các loài chim săn mồi. Chim ưng Saker, loài chim được coi là biểu tượng của Mông Cổ. Mặc dù vậy, loài chim quốc gia đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hoạt động xuất khẩu được cho là nguyên nhân chính khiến số lượng loài chim này giảm sút. Từ năm 1993, khi Mông Cổ bắt đầu hoạt động xuất khẩu chim ưng Saker, hơn 4.000 con đã được bán với giá khoảng 12.000 USD/con. Những con chim này chủ yếu được đưa tới Kuwait, Qatar, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và các nước Arập khác, nơi chim ưng đã được thuần hóa, tượng trưng cho phong cách, sự giàu có và địa vị cao. Liên minh Bảo tồn Thế giới (WCU) đã đưa chim ưng Saker vào danh sách đỏ những loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Và Mông Cổ cần tăng cường bảo vệ loài chim quốc gia, để bảo vệ loài, chính phủ cần hạn chế hoạt động xuất khẩu chim, đồng thời trừng trị nghiêm khắc các hành vi săn bắn.

Đại bàng

Bài chi tiết: Đại bàng Mông Cổ
Một con đại bàng Mông Cổ

Người dân Kazakhs sống trên dãy núi Altai quan niệm rằng chim đại bàng có thể xua đuổi những điều xấu xa trong tâm hồn con người.Đây cũng là tộc người duy nhất trên thế giới dùng đại bàng vàng để săn bắt[5] Từ xa xưa người dân Mông cổ đã dùng đại bàng để săn thú trên các thảo nguyên bao la rộng lớn. Truyền thống săn thú bằng chim đại bàng được truyền từ đời này qua đời khác từ thế hệ xa xưa cho đến nay. Ba đối tượng trong hoat động này là người săn bắt, chú chim đại bàng trung thành và con mồi như thỏ, cáo. Chim đại bàng có khả năng săn bắt giỏi. Người Kazakh có kinh nghiệm truyền đời là chỉ bắt chim đại bàng mái còn nhỏ về để huấn luyện vì chúng mạnh mẽ, hiếu chiến và nhanh nhạy hơn chim đại bàng trống[26].

Trong khi đưa đàn gia súc đi ăn, người ta luôn mang chim đại bàng của mình theo để nó làm quen với gia súc, bảo vệ gia súc và cũng để luyện tập cho nó biết rằng không được phép săn bắt các loài vật nuôi như dê hay cừu bởi chăn nuôi gia súc là cách kiếm sống chủ yếu của người Kazakh. Người ta cho chim đại bàng ăn theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt, chăm sóc đặc biệt để chúng có cơ thể khỏe mạnh. Nó có thể ăn hết một con thỏ chỉ trong vòng 2 ngày. Chính vì vậy mà chim đại bàng có thể nhận biết mùi của con mồi mà mình săn bắt một cách chính xác. Lúc tập bay cho chú chim, người huấn luyện sẽ thưởng cho nó một miếng thịt thỏ mỗi lần bay đi và quay về đúng chỗ. Mỗi ngày, chú chim đại bàng được tập bay ở khoảng cách càng xa hơn. Đó là cách huấn luyện của ngươi dân Mông cổ cho cho con đại bàng của mình, họ trân trọng nhẹ nhàng với chúng không chỉ là mà còn là người bạn thân thiết[26]

Đại bàng Mông Cổ cũng đã được nhập về Việt Nam làm cảnh. Người Mông Cổ thường nuôi chúng để đi săn bắt, kiếm thức ăn nên chúng còn được gọi là đại bàng vàng Mông Cổ, đại bàng Mông Cổ này tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực[27]. Chim đại bàng Mông Cổ có đôi mắt rực sáng, bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc như dao nhọn, có khả năng lao nhanh như tên bắn[28]. ở Việt Nam chỉ có khoảng năm con đại bàng vàng Mông Cổ, trong đó cả miền Bắc có bốn con và miền Nam có một con. Do đặc tính khá dữ dằn của loài đại bàng nên bình thường đại bàng hoàng kim được chủ buộc mũ lên đầu để tránh gây sát thương cho người và các loại chim săn mồi khác[28].

Việc chăm sóc cho đại bàng Mông Cổ hết sức cầu kỳ. Chế độ ăn uống hàng ngày cho các chú chim phải được tính toán rất kỹ, cân đo số lượng và có điều chỉnh thức ăn phù hợp để ổn định trọng lượng của chim[27]. Có thể cho đại bàng ăn thịt chuột, bò, heo, cá cũng được! Cho chim con ăn ngày 2- 3 cữ. Nhưng đấy là thức ăn cho chim non. Còn chim lớn thì nên cho ăn thịt thỏ, sẻ, chuột đồng, cho chúng ăn thịt bò và thịt lợn cũng được[28] việc huấn luyện chim săn mồi được thuần thục là cả một quá trình khó khăn từ việc ép cân để huấn luyện chim lúc đói đến việc huấn luyện sao cho chim bay khi nghe thấy tiếng còi của chủ nhân lập tức quay lại, trang thiết bị chuyên dụng cũng rất đắt tiền.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hệ_động_vật_Mông_Cổ http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/phi-thuyen-n... http://journals.cambridge.org/action/displayAbstra... http://www.takhi.org http://afamily.vn/xem-an-choi/chu-du-thao-nguyen-m... http://afamily.vn/xem-an-choi/nhung-trai-nghiem-tu... http://afamily.vn/xem-an-choi/thuong-thuc-sua-chua... http://www.24h.com.vn/du-lich/nhung-trai-nghiem-tu... http://dantri.com.vn/xa-hoi/ngam-dai-bang-vang-mon... http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/thien-nhien/item... http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/phim-totem-soi-...